Con đuông dừa là một trong những món ăn đặc sản của miền sông nước Cửu Long Việt Nam? Và nếu bạn là một người yêu thích ẩm thực Việt Nam mà chưa biết các món ngon được chế biến từ con đuông dừa thì quả là một thiếu sót. Trong bài viết này, Trại chó mèo sẽ cùng đi tìm hiểu tất tần tật về con đuông dừa và những tác động tích cực, tiêu cực mà nó mang lại nhé!
Con đuông dừa là gì?
Đuông dừa là ấu trùng ở hình dạng sâu của một số loại bọ cánh cứng thuộc họ bọ vòi voi và sinh sống ở các vùng nhiệt đới thuộc châu Á. Chúng còn có được biết đến với các tên gọi khác như mọt cọ đỏ, mọt cọ châu Á, ấu trùng Sago.
Đuông dừa trưởng thành sẽ phân thành con đực và con cái. Chúng ta có thể phân biệt giới tính của chúng dựa vào đặc điểm vòi. Vòi con đực sẽ ngắn hơn và có một nhúm lông tơ màu vàng hoặc nâu sẫm nằm ngay phía đầu của vòi. Ngược lại, trên vòi con cái thì không có lớp lông này. Sau khi giao phối, con cái sẽ bay đi tìm thân/ ngọn cây khoét lỗ tìm đường vào và đẻ trứng. Trứng nở thành ấu trùng và ấu trùng phát triển dựa vào việc đục rỗng và hút chất dinh dưỡng từ cây “mẹ”.
Con đuông dừa có vòng đời như thế nào?
Đuông có vòng đời gồm 5 giai đoạn phát triển, khác một chút so với các loài bọ cánh cứng chỉ có 4 giai đoạn phát triển.
Con cái khi trưởng thành sẽ bay đến ngọn/ thân cây dừa, chà là, cau, tre… tự đào hốc hoặc tìm các vết “hở” có sẵn trên cây để chui vào đẻ trứng. Mỗi lần sinh sản, chúng có thể đẻ từ vài chục đến vài trăm quả trứng. Trứng Đuông mới đẻ có hình thon dài trông như hạt gạo màu trắng và có độ dài từ 1 – 2,5 mm. Sau khoảng 3 – 4 ngày (Giai đoạn L2) trứng sẽ nở ra ấu trùng có màu trắng không có chân và màu vàng nhạt, với phần giữa thân phình to, đầu màu nâu đỏ với bộ hàm cứng.
Ở giai đoạn L3 đuông có thể đạt chiều dài từ 40 – 50 mm với cơ thể béo mập. Thông thường chúng sẽ sống từ 50 – 70 ngày trong thân cây trước khi hóa nhộng. Chúng sẽ tạo một kén hình bầu dục bằng các sợi xơ có trong thân cây (dừa, chà là, tre, cau) hoặc có trong các bẹ lá trên ngọn cây quanh mình, tạo thành kén. Trong cái kén này, ấu trùng chúng mới chính thức hóa thành nhộng. Giai đoạn nhộng của ấu trùng đuông kéo dài khoảng 15 – 20 ngày, sau khi trưởng thành, nó sẽ phá kén để chui ra ngoài và bay đi tìm “bạn tình”.
>> Xem Thêm : Gà Ác Lai: Đặc Điểm, Công Dụng & Giá Trị Dinh Dưỡng
Con đuông dừa sống ở đâu?
Ở Việt Nam, đuông dừa thường sinh sống trong thân cây dừa, tre, cau, chà là hoặc cổ hủ của cây dừa. Loài vật này thường xuất hiện phổ biến nhất ở vùng Tây Nam Bộ, đặc biệt là tại tỉnh Bến Tre – xứ sở của cây dừa của Việt Nam. Đuông có giá trị về mặt dinh dưỡng và kinh tế cao. Trong đó, quý hiếm nhất là loài đuông chà là. Chúng không có ruột đen hay lông như các loại đuông khác mà trắng muốt, thơm ngon, ngọt béo mùi sữa và giàu chất dinh dưỡng.
Chúng sống trong những ngọn cây chà là mọc hoang dại thành từng bụi ở các vùng cù lao, bán đảo ở Trà Vinh. Đuông chà là rất hiếm và có giá thành cao hơn cả bởi mỗi cây chà là chỉ cho một con đuông.
Tác hại của con đuông dừa đối với cây
Ấu trùng đuông có hàm rất khoẻ và sức ăn rất mạnh. Chúng có thể ăn cả phần nhu mô lẫn phần sợi già của cây dừa, tre, cau, chà là. Khi mới nở ấu trùng sẽ có xu hướng đục, bào vào phía trong thân cây hoặc vào bó lá ngọn. Chúng cắn phá, đục rỗng củ hủ hoặc ngọn cây làm cho củ hủ, ngọn cây bị hư thối, dẫn đến cây giảm năng suất hoặc nặng hơn là gãy ngang do thân cây đã bị rỗng, mất khả năng sinh trưởng.
Để biết được cây có đuông hay không? Bạn cần quan sát kỹ và tìm các dấu hiệu sau:
- Trên thân cây xuất hiện nhiều lỗ đục nhỏ, đường kính khoảng 1-2 phân và có xác bã cây rơi ra ở mỗi lỗ đục hoặc nhựa cây rỉ ra, có thể ngửi thấy mùi khai bốc ra từ các lỗ đục này do các mô bên trong bị lên men.
- Phần ngọn bị úa, héo rũ.
- Áp tai vào thân cây, có thể nghe thấy tiếng “xạo xạo” do các ấu trùng đang ăn tạp bên trong.
Đuông có thể gây hại cho cây quanh năm. Đặc biệt ở Việt Nam, vào mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 10 là thời kỳ sinh sản và sinh trưởng tốt nhất của đuông nên vào thời điểm này tình trạng cây bị hư, chết sẽ có tỉ lệ cao hơn.
Con đuông dừa có tác dụng gì? Ăn có tốt không?
Tuy bề ngoài của đuông giống con “sâu” khiến nhiều người sợ hãi nhưng trong cơ thể nhỏ bé, béo múp của chúng lại chứa hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Đặc biệt mùi vị khi ăn cũng béo ngậy, thơm tho. Hơn hết, ấu trùng đuông này có khả năng bổ sung dinh dưỡng cải thiện sức khỏe con người và hỗ trợ điều trị nhiều căn bệnh.
Tác dụng con đuông dừa
- Một số tác dụng của con đuông có thể kể đến bao gồm:
- Cải thiện sinh lý ở nam giới, đặc biệt là rối loạn cương dương, xuất tinh sớm, rối loạn cương dương và các vấn đề khác.
- Đuông còn chứa rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho thai nhi và trẻ nhỏ. Theo các nghiên cứu cho thấy, thông qua việc ăn đuông mẹ bầu có thể giúp bổ sung dinh dưỡng cho thai nhi, thúc đẩy sự phát triển và đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất cần thiết cho cơ thể bé.
- Đuông dừa có chứa nhiều protein, đạm, chất béo nên là món ngon vô cùng bổ dưỡng, giúp cung cấp năng lượng, kích thích người gầy ốm thèm ăn và hỗ trợ tăng cân vô cùng tốt. Đây là một phương pháp hữu hiệu để các bà mẹ sử dụng cho trẻ biếng ăn, ốm yếu, còi xương, suy dinh dưỡng.
Ăn con đuông dừa có tốt không?
Trong cơ thể ấu trùng đuông chứa hàm lượng chất dinh dưỡng cao và tốt cho cơ thể, đồng thời chúng có hương vị béo ngậy, thơm ngon nên đây là một trong những nguyên liệu chế biến món ăn “đặc sản” ở miền Tây Việt Nam. Đặc biệt các món ngon được chế biến từ đuông cũng ngày càng phổ biến và nhận được sự hưởng ứng, yêu thích của nhiều người.
Cách nuôi con đuông dừa nhân tạo
Để đáp ứng nhu cầu tìm mua đuông ngày càng cao, người dân đã bắt đầu chuyển hướng sang chủ động gây giống và chăm nuôi đuông dừa nhân tạo. Dưới đây là cách nuôi đuông đơn giản mà bạn có thể thực hiện được tại nhà.
Hướng dẫn làm chuồng nuôi con đuông dừa
Đuông rất dễ sống và sinh trưởng, chỉ cần điều kiện môi trường phù hợp và thức ăn đầy đủ, bạn đã có thể tự nuôi ra những con đuông mũm mĩm với năng suất cao. Vì vậy, chuồng nuôi đuông cũng khá đơn giản. Bạn chỉ cần tìm một nơi làm không gian nuôi đủ độ ẩm, mát, cao ráo tránh được chó, mèo, kiến, chuột. Chuồng có thể làm bằng xô/ chậu, chai lọ… nếu muốn nuôi với số lượng lớn bạn có thể xây bể nuôi.
Thức ăn cho con đuông dừa
Để đuông sinh trưởng đạt chất lượng tốt nhất, bạn nên dùng thức ăn tương tự như đuông trong tự nhiên. Tuy nhiên, thay vì chặt nguyên thân cây dừa, cau, chà là, tre… cho nuông ăn như trong tự nhiên thì ở môi trường nuôi nhốt bạn có thể chọn chặt các phần xơ dừa, cau cho vào chuồng nuôi để làm thức ăn và chỗ trú ẩn cho chúng. Ngoài ra, bạn còn có thể cho đuông ăn cám chim, cám gà… để tăng năng suất.
Để thu hoạch, bạn chỉ cần tách các bẹ xơ cau, dừa… hoặc bới tìm trong lớp xác khô nhẹ nhàng. Khi lấy, bạn nên dùng tay tránh dùng các vật nhọn, dao, rựa vì có thể làm đuông bị thương/ chết khiến chất dinh dưỡng trong thân chúng trào ra ngoài, làm giảm giá trị kinh tế.
Các món ngon chế biến từ đuông dừa
Ấu trùng con đuông dừa được coi là nguyên liệu làm món ăn trong nhiều nơi ở miền Tây, Việt Nam và có rất nhiều phiên bản biến tấu khác nhau. Dưới đây là các cách chế biến đuông ngon, đơn giản và dinh dưỡng nhất mà bạn không thể bỏ qua.
Đuông dừa nướng
Đuông nướng có lẽ sẽ được nhiều người yêu thích hơn bởi, thực khách có thể thưởng thức hương vị thơm tho và béo ngậy của chúng sau khi đã được chế biến mà không cần “chứng kiến” hình dáng ban đầu của chúng.
Công thức làm đuông dừa nướng: Bạn sẽ ngâm đuông trong nước muối từ 10 – 15 phút sau đó rửa sạch lại với nước. Để ráo sau đó tẩm gia vị cho con đuông, tùy vào sở thích mà bạn có thể mix gia vị sao cho vừa ý nhé. Rồi bạn dùng que xiên, xiên tầm 5 -6 con đuông trên 1 que và nướng trên bếp lò. Chờ đến khi nướng đã có mùi thơm và vàng rụm, bạn đã có thể thưởng thức rồi.
Pizza đuông dừa
Đây từng là món ăn “hót hòn họt” đối với giới trẻ thành phố. Thay vì sử dụng topping là thịt bò/ heo/ gà… thì lại là đuông. Tuy nhiên, ngoại trừ việc gặp chút “chướng ngại” về bề ngoài thì hương vị Pizza đuông dừa không hề kém cạnh đâu nhé!
Sau khi bạn đã có đế có một chiếc bánh Pizza, bạn cần chuẩn bị thêm từ 1Công thức chế biến Pizza đuông dừa:0 – 20 con được ngâm và rửa sạch với nước muối trong 10 – 15 phút. Topping thêm phô mai, sốt cà chua, hành tây, ớt chuông. Sau đó, bạn chỉ việc trang trí và nướng Pizza đuông như bình thường là được.
Đuông dừa tắm nước mắm
Đuông sống ngâm nước mắm là đặc sản nổi tiếng của miền Tây, Việt Nam. Với kiểu ăn này, bạn thực khách sẽ cảm nhận trọn vẹn hương vị đậm đà, thơm, ngọt ngấy, kèm chút khai khai nguyên bản của chúng. Đây là một món ăn vô cùng độc đáo và hấp dẫn, có tính “thử thách” cao bởi bạn sẽ thấy nguyên con đuông béo tròn, ngọ nguậy.
Công thức làm đuông dừa tắm nước mắm rất đơn giản: Đầu tiên bạn ngâm trong nước muối từ 10-15 phút để rửa sạch. Chuẩn bị 1 bát nước mắm rồi cho tỏi, ớt, đường tùy thích để món ăn thêm thơm ngon. Sau đó thả đuông đã rửa sạch vào bát nước mắm, khuấy đều cho chúng ngấm gia vị là bạn đã hoàn thành món ăn.
Đuông dừa chiên bột
Khá giống với món đuông dừa nướng, đuông dừa chiên bột cũng là một lựa chọn hoàn hảo cho những bạn thích hương vị mà chúng mang lại nhưng “ngại” vì hình dáng hay cách đuông ngọ nguậy còn sống.
Công thức làm đuông dừa chiên bột: sau khi rửa sạch đuông (nhớ cắt phần đầu đuông đi, bạn có thể nhét thêm đậu phộng vào thân) bạn sẽ nhúng chúng vào hỗn hợp sền sệt gồm: bột mì, bột năng, trứng gà, muối, hạt tiêu và một chút nước. Rồi bỏ những con đã được nhúng bột vào chảo dầu (vừa sôi tới) và chiên. Nhớ đổ ngập dầu và chiên ở lửa nhỏ cho đến khi con đuông chuyển sang màu vàng thì vớt ra.
Cháo đuông dừa
Cháo đuông sẽ là lựa chọn lý tưởng để các mẹ làm cho con mình, vừa bổ dưỡng vừa thơm ngon.
Công thức chế biến: Rửa sạch với nước lạnh và ngâm chúng trong rượu trắng từ 1 – 3 phút để khử mùi khai và ngâm tiếp trong nước muối từ 10 – 15 phút để da chúng giữ được độ dẻo dai, không bị vỡ khi nấu với cháo. Khi sơ chế bạn nhớ cắt bỏ đầu đuông. Sau đó, cho đuông vào hầm chung với gạo, thịt, gừng, nước cốt dừa cho đến khi hạt gạo nhừ. Sau khi cháo chín, bạn có thể cho thêm hạt tiêu, hành lá vào để món cháo thơm, ngon hơn.
Gỏi củ hủ đuông dừa
Ngoài ra, bạn còn có thể làm món gỏi củ hủ đuông dừa béo ngon đưa cơm hoặc là món “nhấm” đặc sắc trên bàn nhậu.
Công thức chế biến: Chuẩn bị tối thiểu 10 con, ngâm rửa sạch với nước muối trong 10 – 15 phút, sau đó đem chiên giòn. Trộn chung đuông đã chiên với củ hủ dừa thái sợi, tôm nõn cũng các gia vị như nước mắm, ớt, tỏi, hạt nêm, dấm, hành, chanh, muối, dầu oliu… Sau đó xếp ra dĩa và thưởng thức.
7 Lưu ý cần biết khi ăn con đuông dừa
Đuông dừa là món ăn đại bổ và được xem là vị thuốc quý có thể dùng được cho mọi đối tượng với nhiều món ngon được chế biến hấp dẫn. Tuy vậy, bạn vẫn cần lưu ý một số điểm sau trong quá trình sử dụng đuông để đảm bảo chất dinh dưỡng và bảo vệ sức khỏe:
- Đối với những người có cơ địa mẫn cảm, dễ bị dị ứng thì nên cân nhắc khi ăn các món ăn từ đuông vì trong cơ thể chúng có chứa một vài chất kích thích nhỏ.
- Khi ăn các món từ đuông, nếu bạn có cảm giác cơ thể khó chịu, có biểu hiện lạ thì nên gặp bác sĩ ngay để thăm khám và kiểm tra.
- Bạn nên tìm hiểu kỹ và chọn nơi đảm bảo chất lượng và uy tín để mua đuông.
- Vì không phải lúc nào cũng có thể mua được loại còn sống nên bạn cần kiểm tra kỹ khi mua đuông dừa ướp lạnh bởi có nhiều nơi dùng các hóa chất để bảo quản. Đây sẽ là nguyên nhân làm đuông trở nên độc hại.
- Nên ăn với số lượng vừa phải và không quá lạm dụng.
- Đối với trẻ nhỏ khi ăn bạn nên cắt phần đầu của đuông để không gây tổn thương đến bé.
- Nếu bạn gặp “chướng ngại” về việc ăn sống thì nên lựa chọn các món đuông chín. mặt khác, khi ăn sống đối với những người có “bụng dạ” yếu thì nên uống kèm thêm rượu để dễ tiêu hóa.
Con đuông dừa có giá bán bao nhiêu? Mua ở đâu uy tín?
Ban đầu đuông chỉ phổ biến ở các vùng sông nước miền Tây Việt Nam, sau này chúng được phổ biến ra cả nước và được nhiều người đón nhận hơn. Vì vậy không tránh được việc mua phải đuông dừa kém chất lượng, độc hại. Để mua được đuông ngon bạn nên tìm đến các cơ sở buôn bán, uy tín hoặc mua trực tiếp khi có dịp ghé qua miền Tây.
Hiện nay, trên thị trường đuông dừa có giá trung bình khoảng 400 ngàn đồng/ kg, có những thời điểm hiếm hàng, giá đội lên 700 – 800 ngàn/ kg. Riêng với đuông chà là có giá cao hơn hẳn.
Lời kết
Đặc sản con đuông dừa là món ngon mà bạn không nên bỏ qua nếu bạn là một người yêu thích ẩm thực. Tuy nhiên để có những trải nghiệm tốt nhất, bạn nên có cho mình những kiến thức về chúng. Hy vọng bài viết trên sẽ mang lại cho bạn những kiến thức “hay ho” về đuông dừa và các món ngon được chế biến từ chúng. Chúc các bạn có nhúng trải nghiệm “tuyệt vời” khi thưởng thức Đuông – món ăn đặc sản của miền Tây Việt Nam.